su-dung-phan-bon-cho-vu-lua-xuan

Sử dụng phân bón cho vụ lúa xuân

Sử dụng phân bón cho vụ lúa xuân cần chú trọng những điều sau.

su-dung-phan-bon-cho-vu-lua-xuan

Yêu cầu đất đai và thời vụ trồng lúa ở Việt Nam

Cây lúa không kén đất. Ở nước ta lúa có thể được trồng và cho năng suất trên hầu hết các loại đất: Đất phù sa của các hệ thống sông, đất phèn, đất mặn, đất bạc màu. Tuy vậy năng suất lúa cũng rất khác nhau phụ thuộc vào các yếu tố hạn chế của đất. Đất mặn yếu tố hạn chế chính là nồng độ Cl- cao, EC lớn cho nên phải sử dụng các giống có khả năng chịu mặn. Đối với đất phèn yếu tố hạn chế chính là thiếu lân và nồng độ Al+3 và Fe+2, canh tác lúa trên loại đất này phải chọn những giống có khả năng chống chịu với các hạn chế trên. Đất bạc màu, yếu tố hạn chế chính là hàm lượng kali tổng số và dễ tiêu thấp.

Thời vụ trồng lúa đông xuân ở Việt Nam

Ở nước ta có 2 vùng khí hậu chính: Từ đèo Hải Vân trở ra phía Bắc có khí hậu cận nhiệt đới, có mùa đông lạnh và mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều nên trồng lúa xuân để đạt năng suất cao phải chọn lịch gieo trồng thích hợp.

Lịch gieo cấy lúa xuân vùng đồng bằng Bắc bộ: Vụ xuân sớm gieo 20-25/11, cấy 15/1, gặt cuối tháng 5, đầu tháng 6; Vụ xuân chính vụ gieo 10-20/12, cấy 15/2, gặt tháng 6; Vụ xuân muộn gieo 20/1-5/2, cấy 5/3, gặt cuối tháng 6. Hiện nay hầu hết các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng cấy xuân chính vụ và xuân muộn, một số tỉnh/thành như: Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hà Nội tỷ lệ xuân muộn tới 80-90% và diện tích sử dụng giống lúa lai cũng tăng lên.

Phía Nam đèo Hải Vân có khí hậu nhiệt đới điển hình nên có thể gieo trồng lúa ở bất cứ thời điểm nào trong năm, tuy vậy đối với vụ đông xuân thì lịch gieo trồng như sau:

Vụ đông xuân sớm gieo 6/11; Vụ đông xuân chính vụ gieo 21/11; Vụ đông xuân muộn gieo 6/12. Tất cả còn phụ thuộc vào độ ngập nông hay sâu, lũ rút sớm hay muộn. Ở miền Nam thường sử dụng những giống ngắn ngày.

Hệ số bón phân bón của cây lúa:

Tùy theo chân đất, giống lúa, thời vụ gieo cấy, lượng phân bón mà hệ số sử dụng đạm, lân và kali cũng khác nhau. Trong điều kiện lúa nước ở Việt Nam hệ số sử dụng như sau:

Đạm 30 – 45% hoặc 30 – 50%.

Lân 15 – 25% hoặc 20 – 30%.

Kali 40 – 50% hoặc 50%.

(40% chỉ đạt được nếu bón đạm 2 – 4 lần)

Mức khuyến cáo bón phân ở Việt Nam

Ở đồng bằng sông Hồng với mức bón phân chuồng 5 – 6 tấn/ha để đạt năng suất lúa 5,5 tấn/ha thì lượng bón khuyến cáo như sau: Lượng bón (kg/ha) đất phù sa sông Hồng N 100-110 kg/ha; P2O5 40-50 kg/ha; K2O 30-40 kg/ha; Đất phù sa sông Gâm N 90-100kg/ha; P2O5 50-60kg/ha; K2O 30-40 kg/ha; Đất phèn N 90-100kg/ha, P2O5 60-70 kg/ha; K2O 30-40 kg/ha; Đất bạc màu N 100-110 kg/ha; P2O5 60-70 kg/ha; K2O 60-70 kg/ha.

Cho vùng đồng bằng sông Cửu Long: Phù sa sông Cửu Long vụ đông xuân N 110-120 kg/ha; P2O5 30-40 kg/ha; K2O 30-40 kg/ha; Đất phèn nhẹ vụ đông xuân N 90-100 kg/ha; P2O5 40-50 kg/ha; K2O 10-20 kg/ha; Đất xám vụ đông xuân N 100-110 kg/ha; P2O5 40-50 kg/ha; K2O 70-80 kg. Muốn có bội thu năng suất thêm 1 tấn/ha (đối với giống lúa lai và giống có năng suất cao cần phải bón thêm 20 kg P2O5 và 30 kg. Đạm bón theo thang màu lá lúa. Lượng bón thực tế có thể dao động ± 10-20% tổng số đạm bón và ngày bón phụ thuộc trạng thái đạm của cây ở từng giai đoạn phát triển).