Phân bón

Các Loại Phân Hữu Cơ Phổ Biến Mà Nông Dân Cần Biết

Các loại phân hữu cơ

Các loại phân hữu cơ phổ biến mà nông dân cần biết: Phân hữu cơ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp chất mùn, chất hữu cơ và các loại vi sinh vật, giúp cải tạo đất và tăng độ phì nhiêu cho đất. Dựa vào nguồn gốc, phân hữu cơ được phân thành hai nhóm chính: Phân hữu cơ công nghiệp và phân hữu cơ truyền thống.

  • Phân hữu cơ công nghiệp: Bao gồm các loại như phân bón hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh, phân bón vi sinh và phân bón hữu cơ khoáng. Những loại phân này thường được sản xuất theo quy trình công nghiệp, với việc sử dụng các nguồn nguyên liệu hữu cơ và vi sinh vật để tạo ra sản phẩm phân bón chất lượng cao.
  • Phân hữu cơ truyền thống: Bao gồm các loại như phân rác, phân xanh, phân chuồng, và nhiều loại phân khác. Những loại phân này thường được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu tự nhiên và hữu cơ, như phân của động vật, rác thực vật, và các loại chất thải khác từ hoạt động nông nghiệp.

Các loại phân hữu cơ công nghiệp

Phân bón hữu cơ công nghiệp là sản phẩm của quá trình chế biến các chất hữu cơ từ nhiều nguồn gốc khác nhau, thông qua các tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải thiện và nâng cao chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng so với nguyên liệu thô đầu vào. Có bốn loại chính của phân bón hữu cơ công nghiệp, bao gồm phân bón hữu cơ khoáng, phân bón hữu cơ sinh học, phân vi sinh, và phân hữu cơ vi sinh.

Phân hữu cơ vi sinh

Phân bón hữu cơ vi sinh là loại phân bón chứa một hoặc nhiều loại vi sinh vật có lợi, bao gồm các nhóm vi sinh vật phân giải hữu cơ, vi sinh vật cố định đạm, vi sinh vật ký sinh, vi sinh vật đối kháng, và vi sinh vật phân hủy xenlulo. Không chỉ cung cấp đủ các yếu tố dinh dưỡng, phân bón hữu cơ vi sinh còn giúp đất chống lại các mầm bệnh, bồi dưỡng và cải tạo đất, nâng cao độ phì nhiêu và tăng lượng mùn trong đất.

Phân hữu cơ sinh học

Phân bón hữu cơ sinh học được sản xuất từ nguồn nguyên liệu hữu cơ tự nhiên (có thể có thêm than bùn) và được xử lý, lên men theo quy trình công nghiệp với sự tham gia của một hoặc nhiều chủng vi sinh vật. Phân bón hữu cơ sinh học giúp tăng và cân bằng hàm lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng, với hơn 22% thành phần là chất hữu cơ.

Phân hữu cơ khoáng

Phân bón hữu cơ khoáng là loại phân bón hữu cơ có thành phần dinh dưỡng chứa ít nhất một chất đa, trung hoặc vi lượng. Loại phân bón này được phối trộn thêm một số nguyên tố khoáng vô cơ như: N, P, K và chứa trên 15% thành phần là các chất hữu cơ, từ 8-18% tổng số các chất vô cơ (hóa học, N+P+K).

Phân bón vi sinh

Phân vi sinh là chế phẩm chứa những chủng vi sinh vật đã được tuyển chọn phù hợp với những tiêu chuẩn kỹ thuật mà các sinh vật được sử dụng làm chế phẩm sinh học. Các chủng vi sinh vật dùng để sản xuất phân bón vi sinh bao gồm vi sinh vật hòa tan lân, vi sinh vật cố định đạm, vi sinh vật kích thích sinh trưởng cây trồng, vi sinh vật phân giải các chất hữu cơ, và thường phải đạt mật độ theo tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước.

Phân bón hữu cơ chế biến

Phân hữu cơ chế biến là loại phân bón được sản xuất chủ yếu từ các nguồn nguyên liệu hữu cơ với tiêu chuẩn như sau: ẩm độ đối với phân bón dạng bột không vượt quá 25%; hàm lượng hữu cơ tổng số không thấp hơn 22%; hàm lượng đạm tổng số (Nts) không thấp hơn 2,5%; pHH2O (đối với phân hữu cơ bón qua lá) trong khoảng từ 5-7.

Phân bón hữu cơ truyền thống

Phân chuồng

Phân chuồng là một loại phân hữu cơ truyền thống, bao gồm phân, nước tiểu của gia súc và chất độn. Nó không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng mà còn bổ sung chất hữu cơ giúp cải thiện kết cấu đất, tăng độ phì nhiêu và hiệu quả xử lý hóa học. Tuy nhiên, do hàm lượng dinh dưỡng thấp, việc sử dụng phân chuồng đòi hỏi phải bón lượng lớn và chi phí vận chuyển cao.

Phân rác

Phân rác là loại phân hữu cơ được chế biến từ cỏ dại, rác, thân lá cây xanh, rơm rạ, và được ủ với một số phân như phân chuồng, lân, vôi, cho đến khi oai mục thành phân. Hàm lượng dinh dưỡng của phân rác thấp hơn so với phân chuồng.

Than bùn

Than bùn là một loại vật liệu hữu cơ dạng đất, có màu nâu đen, được hình thành từ sự tích tụ và phân hủy không hoàn toàn của tàn dư thực vật trong điều kiện yếm khí (thiếu oxy) xảy ra liên tục. Quá trình này thường diễn ra ở các khu vực đầm lầy, ven sông, hồ, hoặc những nơi có độ ẩm cao.

Phân xanh

Phân xanh là loại phân hữu cơ sử dụng các loại cây lá tươi bón hoặc vùi ngay vào đất mà không qua quá trình ủ. Phân xanh giúp cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng và đất, tăng hiệu quả phân giải phân hóa học, giảm lượng phân bón hóa học, tiết kiệm chi phí đầu vào nông nghiệp.

Các loại phân hữu cơ

Phương pháp sử dụng phân bón hữu cơ đúng cách nhất

Cách để chọn đúng loại phân bón hữu cơ cần thiết

Để tạo ra môi trường tốt nhất cho cây trồng, chúng ta cần lựa chọn và bón phân đúng loại, đúng liều lượng và vào đúng thời điểm. Đặc biệt, khi cây vào các giai đoạn phát triển quan trọng như kiến thiết, ra quả, chúng ta cần bổ sung ngay các loại phân bón chuyên dụng. Hãy tìm hiểu kỹ về đặc tính của cây trồng và xuất xứ của phân bón, chọn phân bón từ các công ty uy tín để đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng và môi trường.

Thời điểm nào nên sử dụng phân bón hữu cơ?

Phân hữu cơ cần thời gian để phân giải dinh dưỡng thông qua hoạt động của vi sinh vật, nên thường được sử dụng để bón lót trước khi gieo trồng. Bón định kỳ 15 ngày/lần trước mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây.

Liều lượng phân bón hữu cơ bạn cần sử dụng

Phân hữu cơ là loại phân an toàn, ít gây ngộ độc cho cây trồng. Tuy nhiên, bạn cũng cần sử dụng đúng liều lượng ghi trên bao bì. Một số loại phân hữu cơ có hàm lượng đạm cao như phân gà, dịch đạm cá sử dụng quá nhiều cũng có thể làm nóng và gây chết cây.

Cách bón phân hữu cơ đúng cách

Phân hữu cơ dạng viên, dạng bột nên được bón vùi vào đất sau đó tưới nước để phân dễ hòa tan. Có một số cách bón phân như sau:

  • Bón theo hốc: phân bón được cho vào các lỗ nhỏ xung quanh gốc cây sau đó lấp đất lại.
  • Bón theo hàng: Rạch hàng dài theo luống cây, sau đó rải phân lấp đất lại. Hoặc bón trực tiếp theo hàng kết hợp với xới đất, vun gốc.
  • Bón theo đường kính tán (thường dùng cho hoa kiểng, cây lâu năm): đảo rãnh sâu 20 – 30 cm theo hình chiếu tán cây, bón phân theo rãnh đào, sau đó lấp đất lại.
  • Trộn cùng với giá thể, đất trước khi trồng.
  • Hòa tan với nước để phun, tưới cho cây.

Hướng dẫn tự làm phân bón hữu cơ tại nhà

Bước 1: Chuẩn bị thùng chứa

Lựa chọn thùng chứa phù hợp với lượng rác thải nhà bạn. Thùng nên có nắp đậy kín để giảm mùi hôi và ngăn côn trùng. Bạn có thể sử dụng thùng nhựa, thùng xốp, hoặc xô lớn. Đừng quên khoan vài lỗ nhỏ ở đáy thùng để thoát nước.

Bước 2: Đặt thùng phân ở vị trí thích hợp

Chọn một nơi thoáng mát, râm bóng để đặt thùng phân. Tránh đặt thùng phân dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp. Nên đặt thùng phân cách xa nhà để giảm mùi hôi.

Bước 3: Chuẩn bị nguyên liệu

Nguyên liệu xanh bao gồm rau củ quả thừa, vỏ trái cây, bã cà phê, lá cây xanh, v.v. Nguyên liệu nâu bao gồm cỏ khô, lá cây khô, vỏ trấu, bìa carton, mùn cưa, v.v. Hãy giữ cho hỗn hợp ủ phân luôn ẩm nhưng không quá ướt.

Bước 4: Bắt đầu quá trình ủ phân

Xếp xen kẽ các lớp nguyên liệu xanh và nguyên liệu nâu vào thùng. Mỗi khi xếp một lớp nguyên liệu, rắc một ít đất hoặc phân chuồng hoai mục. Tưới nước cho hỗn hợp ủ phân để giữ ẩm. Dùng dụng cụ để khuấy đảo hỗn hợp ủ phân định kỳ, nhằm thúc đẩy quá trình phân hủy.

Bước 5: Hoàn thành phân bón hữu cơ

Sau 3-4 tháng, phân bón hữu cơ sẽ hoai mục hoàn toàn. Lúc này, phân bón có màu nâu đen, tơi xốp và không còn mùi hôi. Bạn có thể sử dụng phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng trong vườn hoặc trong nhà. Hi vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ưu nhược điểm của các loại phân bón hữu cơ, giúp bạn dễ dàng hơn trong việc lựa chọn loại phân bón phù hợp.

Khi bạn biết được các loại phân hữu cơ có đặc điểm gì, bạn sẽ sử dụng chúng một cách hợp lý và hiệu quả hơn. Hy vọng với bài viết trên sẽ giúp bạn làm vườn dễ hơn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các sản phẩm đất trồng đã được phối trộn sẵn phân hữu cơ để cây phát triển tối ưu. Hãy liên hệ với chúng tôi nếu bạn muốn trở thành đại lý hoặc mua các sản phẩm đất trồng, giá thể và phân hữu cơ sạch, với chi phí hợp lý nhất.
FAQs:

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *